HIỆP ĐỊNH PARIS VỀ VIỆT NAM QUA TÀI LIỆU LƯU TRỮ (1968-1973) – TẬP 1: ĐƯỜNG ĐẾN PARIS
TẬP 1: ĐƯỜNG ĐẾN PARIS
Chắc hẳn nhiều người đã biết PARIS là nơi diễn ra Hòa đàm về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968-1973). Nhưng tại sao lại là Paris? Câu trả lời được phản ánh đầy đủ qua tài liệu lưu trữ hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ trấn động địa cầu của quân và dân Việt Nam, tháng 7 năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ về hòa bình cho Đông Dương được nhóm họp. Tuy nhiên, cục diện thế giới lúc đó, cuộc chiến tranh lạnh giữa hai cực Đông – Tây đang diễn ra ngày càng căng thẳng. Cuộc xung đột lên đến đỉnh điểm khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ và kết thúc bằng Hiệp ước chia đôi đất nước Triều Tiên vào năm 1953. Đến với bàn đàm phán hiệp định Giơ-ne-vơ, các cường quốc có nhiều toan tính trong việc ngăn chặn tình trạng căng thẳng nóng những mối quan hệ quốc tế. Một giải pháp tương tự như Triều Tiên đã được thỏa hiệp áp dụng.
Tình thế lịch sử đã không thể khác. Việt Nam buộc phải nhân nhượng chấp nhận giải pháp tạm thời chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17, đồng nghĩa với việc buộc phải chấp nhận tình trạng chia cắt đất nước và ly tán nhiều gia đình ở hai miền Bắc Nam.
Năm 1965, Mỹ đưa quân đổ bộ vào miền Nam Việt Nam và tiến hành những cuộc oanh tạc cường độ cao ở miền Bắc. Gặp phải sự chống trả kiên cường của quân và dân miền Bắc, lại thất bại liên tiếp ở miền Nam trong hai mùa khô từ năm 1965 đến năm 1967, nhất là trong cuộc Tổng công kích vào các đô thị trong Tết Mậu Thân năm 1968 của Quân Giải Phóng, Washington buộc phải xuống thang chiến tranh.
Mặc dù cả Hà Nội và Washington đều rất muốn hòa đàm được nhanh chóng bắt đầu, tuy nhiên, đã có nhiều bất đồng trong việc lựa chọn nơi diễn ra hòa đàm. Trong tập bản tin, báo cắt trong và ngoài nước về hòa đàm sơ bộ Mỹ – Bắc Việt tại Ba Lê từ năm 1967 đến năm 1968, có nêu nhiều phương án về lựa chọn địa điểm và thành phần hòa đàm như: “Giơ-ne-vơ, Ngưỡng Quang, Tân đề Li hay Nam Vang sẽ là địa điểm gặp gỡ sơ bộ?”; “Hoa Kỳ không muốn Vác-sơ-vi làm nơi tiếp xúc”; “Mỹ bác họp sơ bộ ở Vác-sơ-vi”;”Cam-bốt và vấn đề chọn nơi đàm phán”; “Nhật sẵn sàng đưa một địa điểm gặp gỡ thuận tiện cho đôi bên”; “Úc tán thành họp sơ bộ ở Nam Vang”; “Vienne được đề nghị làm nơi hội ngộ”; “Pháp cũng muốn tiếp hội nghị sơ bộ”…
Cuối cùng, sau nhiều thiện chí và nỗ lực, 19h45 phút ngày 3/5/1968, Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát đi tuyên bố về vấn đề hội đàm. Tuyên bố nêu rõ: “Ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson đã tuyên bố về việc ném bom hạn chế miền Bắc Việt Nam và một lần nữa ngỏ ý muốn nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3/4/1968, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên bố tỏ lập trường và thái độ của mình về việc đó và nói rõ sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ.”
Đáp lại lời tuyên bố trên, ngày 3/5/1968 (giờ Hoa Kỳ), Tổng thống Johnson chấp nhận các đề nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về cuộc đàm phán ở Paris: “1 giờ sáng hôm nay, tôi được thông báo Hà Nội đã sẵn sàng cho cuộc đàm phán ở Paris vào ngày 10/5 hoặc một vài ngày sau đó. Như quý vị biết, chúng tôi đã thống nhất chọn Pháp, nơi mà các bên tham gia có sự bàn luận công bằng, không thiên vị làm nơi đàm phán.”
Việc chọn Paris là nơi diễn ra hòa đàm nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ông U-thant – Tổng thư kí Liên Hợp Quốc, người đầu tiên đề nghị Paris là địa điểm diễn ra cuộc tiếp xúc sơ bộ về hòa bình ở Việt Nam đã rất vui mừng khi biết được quyết định của Hoa Kỳ và miền Bắc Việt Nam.
Trước những diễn biến trên, lo sợ Hoa Kỳ “bán đứng đồng minh”, chính quyền Thiệu tung bộ máy ngoại giao và tình báo vào cuộc xem xét lại toàn bộ chính sách của Hoa Kỳ đối với miền Nam Việt Nam.
“Sau bài diễn văn của Tổng thống Johnson ngày 31/3/1968 về vấn đề ngừng oanh tạc và hòa đàm, có thể lo ngại Hoa Kỳ xí lẻ trong vấn đề tiếp xúc với miền Bắc và ngay cả việc xây dựng một lập trường hòa đàm với miền Bắc và nhất là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Vì: Hoa Kỳ đã không tham khảo trước ý kiến của VNCH và đồng minh.
Do đó, vấn đề đặt ra là:
- Lập trường hòa đàm đích thực của Hoa Kỳ như thế nào?
- Làm thế nào để theo dõi chính sách hòa đàm của Hoa Kỳ?
- Các phương thế có thể ảnh hưởng phần nào quan điểm hòa bình của Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ?”
Sau đó, Việt Nam thông tấn xã số ra ngày 4-5-1968 đã đưa tin: “một tuần sau Nguyễn Văn Thiệu sẽ đến Mỹ” và “Cuộc thương thuyết sẽ kéo dài và khó khăn”
Mời quý vị đón xem!
- [18/05/2023] Vài nét về tài liệu điện tử, tài liệu lưu trữ điện tử, tài liệu số và tài liệu lưu trữ số
- [02/02/2023] HIỆP ĐỊNH PARIS VỀ VIỆT NAM QUA TÀI LIỆU LƯU TRỮ (1968-1973) – Tập 4: Cánh cửa đến “hòa bình”
- [02/02/2023] HIỆP ĐỊNH PARIS VỀ VIỆT NAM QUA TÀI LIỆU LƯU TRỮ (1968-1973) – TẬP 3: VẤN ĐỀ BÀN TRÒN
- [02/02/2023] HIỆP ĐỊNH PARIS VỀ VIỆT NAM QUA TÀI LIỆU LƯU TRỮ (1968-1973) – Tập 2: Những phiên họp đầu tiên
- [02/02/2023] PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC LƯU TRỮ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU KỶ NGUYÊN CÔNG NGHIỆP 4.0
- [19/09/2022] Cuộc khủng hoảng do virut corona (Covid-19) đã tạo ra một bước ngoặt kỹ thuật số đối với các cơ quan lưu trữ
- [06/05/2019] KIỂM TRA CÔNG TÁC VĂN THƯ, LƯU TRỮ ĐỢT 1 NĂM 2019
- [03/12/2018] Tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018
- [27/11/2018] Hội nghị biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lưu trữ giai đoạn 2012-2017 và tập huấn nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ năm 2018
- [27/11/2018] THẨM ĐỊNH TÀI LIỆU NỘP LƯU VÀO LƯU TRỮ LỊCH SỬ TỈNH
- [09/11/2018] Tập huấn nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ tại huyện Khánh Sơn
- [13/08/2018] THẨM TRA TÀI LIỆU HẾT GIÁ TRỊ TẠI SỞ XÂY DỰNG TỈNH KHÁNH HÒA